Hãy từ bỏ ý tưởng viết phần mềm theo yêu cầu đi!
Maytech trân trọng mọi liên hệ yêu cầu viết phần mềm. Nhưng hầu hết chúng tôi từ chối và chân thành khuyên các bạn không nên mơ mộng, ảo tưởng về việc làm giàu từ giấc mơ phần mềm. Vì sao vậy?
1. Ngân sách quá ít
90% các yêu cầu viết phần mềm đều rơi vào trường hợp này. Các bạn chỉ có tầm 20 – 200 triệu nhưng muốn phần mềm riêng. Lương IT giờ rất cao. Một phần mềm viết trong 1 tháng, chi phí cho lập trình, kiểm thử, thiết kế đã trên 100 triệu. Chưa kể có phần mềm rồi, bạn phải tốn chi phí vận hành, bảo trì, nâng cấp… Không có phần mềm nào với chi phí đầu tư như trên lại có thể mở ra cơ hội kinh doanh với doanh thu tiền tỷ!
Chúng tôi thấy trong 20 năm qua, chỉ có 1 trường hợp may mắn với game Flappy Bird (gọi là may mắn, vì tác giả chẳng thể nào lặp lại kỳ tích của mình, dù bây giờ ngân sách đầu tư có thể gấp hàng chục lần)
2. Muốn sở hữu riêng phần mềm phổ biến như kế toán, bán hàng
Bạn đang sử dụng phần mềm của đơn vị nào đó, đáp ứng khá tốt nhu cầu. Điều bạn không hài lòng là không toàn quyền, luôn phải phụ thuộc. Hoặc đơn giản là bạn muốn copy hệ thống phần mềm đã thành công nào đó. Bạn nghĩ tiền thuê 500K/tháng thì viết riêng chắc chỉ 200 – 300 triệu là cùng!
Bạn nên suy nghĩ lại! Giống như bạn THUÊ căn chung cư giá $1000/tháng vì có nhiều tiện ích như view đẹp, hồ bơi hay ô tô để trong hầm. Nhưng bạn không hài lòng vì phải dùng chung, phải tuân thủ quy định này nọ… Giờ bạn muốn căn nhà SỞ HỮU RIÊNG đầy đủ tiện ích như trên thì bạn phải đủ tiền để mua hoặc xây cả tòa nhà!
Đơn vị cho bạn thuê đã đầu tư rất nhiều tiền lẫn chất xám để xây dựng thành công phần mềm. Họ phục vụ hàng trăm, hàng ngàn khách hàng như bạn. Đương nhiên, họ thu thập được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, dữ liệu quý giá để làm ra các tính năng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Giả định bạn đủ tiền xây dựng phần mềm riêng. Liệu bạn có đủ am hiểu mọi ngóc ngách để làm phần mềm tốt hơn họ?
3. Bạn có ý tưởng hay, chưa ai làm bao giờ
Đây là cái bẫy các bạn rất hay gặp phải. Chưa ai làm, chủ yếu 2 lý do:
- Một là, bạn tự cho rằng chưa ai nghĩ ra. Cái này 99,99% là do bạn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự định sẽ đầu tư. Do đó, bạn không biết những phần mềm tương tự đã có từ lâu, có khi trước cả lúc bạn vào đại học.
- Hai là, chưa ai làm vì nó không đáng làm. Cũng lại do bạn không có kinh nghiệm. Bạn cho rằng người ta cần, người ta có nhu cầu trong khi thực tế chả ai cần. Hoặc thị trường quá hẹp, không đáng để đầu tư. Hoặc lĩnh vực đó có rất nhiều rủi ro, rào cản liên quan tới các quy định của luật pháp…
4. Ý tưởng quá sơ sài
Ý tưởng của bạn chỉ đơn thuần là đến từ 1 đêm mất ngủ. Và bạn không có đủ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Ví dụ:
- Muốn làm website như Tiki. Bạn thấy quảng cáo đâu đó làm website bán hàng tầm 5-10 triệu. Vậy làm như Tiki chắc 50-100 triệu là cùng. “Hay quá! Mình sẽ đầu tư, sẽ giàu như Jack Ma!”. Bạn hãy dừng lại! Những gì bạn thấy chỉ là front-end (phần hiển thị cho người dùng). Còn nguyên 1 hệ thống back-end khổng lồ phía sau. Kèm theo là bộ máy vận hành, xử lý đơn hàng, giao hàng… Bạn tự tin am hiểu hết mọi khía cạnh đó chứ?
5. Quá ôm đồm
Bạn chỉ cần quản lý bán hàng, nhưng muốn viết phần mềm quản lý toàn bộ từ kế toán, nhân sự, bán hàng, kho, giao nhận… trong khi quy mô quá nhỏ, đầu tư không tới. Hoặc doanh nghiệp đang vận hành lộn xộn, bạn hy vọng phần mềm sẽ là đũa thần giúp giải quyết mớ hỗn độn này…
Bạn quá ảo tưởng! Phần mềm thực chất chỉ là công cụ nhằm số hóa quy trình hoạt động (vốn đã quy củ, ổn định) doanh nghiệp của bạn, giúp giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí, mở rộng kinh doanh, tăng lợi thế cạnh tranh… Phần mềm tốt, chưa chắc phát huy được tác dụng khi người sử dụng chưa sẵn sàng.
Bảo kiếm trong tay bà nội trợ thì chẳng khác gì con dao cắt cổ gà!
6. Quá cao siêu hoang đường
Bạn muốn xây dựng phần mềm:
- Nhận dạng AI với kỳ vọng 100% đúng như trong phim ảnh.
- Hệ thống đa cấp
- Tự động chơi forex, chứng khoán.
7. Phần mềm liên quan tới tiền
Dễ mà! Nhưng bảo mật không hề dễ. Phần mềm liên quan tới tiền chỉ đơn giản là cộng tiền bên nhận, trừ tiền bên chi. Giải quyết bài toán rút tiền, nạp tiền, chuyển tiền… Logic rất đơn giản nhưng nó mang trong mình của nghiệp vụ của ngân hàng. Các ngân hàng đã phải trả hàng triệu USD cho hệ thống này vì:
- Bảo mật tuyệt đối.
- Xác suất giao dịch lỗi gần như không có dù bất cứ hoàn cảnh nào như cúp điện, đứt cáp, chập chờn, hay lượng giao dịch tăng đột biến khổng lồ.
- Nếu hệ thống của bạn viết không tốt, chỉ cần hack tài khoản cộng thêm 100 triệu USD thì bạn sẽ gặp rắc rối to.
- Giấy phép kinh doanh không hề dễ dàng.
8. Phần mềm robot tự động tà đạo
Bạn phát hiện lổ hổng hay sơ hở nào đó, và muốn lợi dụng nó. Đó là tà đạo! Phần mềm của bạn sẽ phải cập nhật liên tục theo sự thay đổi của hệ thống mà bạn muốn lợi dụng. Và vì chạy theo, nên nó không bền vững, không thể kinh doanh lâu dài. Danh không chính, ngôn không thuận. Bạn khó có thể kêu gọi hợp tác, đầu tư do hệ thống phần mềm tà đạo.
Nếu bạn vô tình rơi vào 1 trong số các yếu tố trên, xin bạn cân nhắc lại!
Ngân sách ít? Không sao, bạn cứ đi thuê phần mềm và tập trung kinh doanh cho tốt. Doanh nghiệp phát triển rồi, bạn cũng am hiểu đầy đủ lĩnh vực của mình, lúc đó viết phần mềm riêng chưa muộn. Hoặc ý tưởng hay, chưa ai làm? Bạn làm trước nhưng không đủ lực thì chỉ là kẻ dọn đường cho người khác. Chậm lại một chút, tích lũy đủ lực trước khi ra biển lớn!
Quên phần mềm đi!
Bạn cương quyết không từ bỏ giấc mơ làm phần mềm? Tốt quá, sao không gọi ngay cho Maytech?
Chỉ cần bạn có quyết tâm và tiềm lực tài chính là đủ! Chuyện còn lại, hãy để Maytech lo!